I. ĐỊNH NGHĨA
Half Duplex (bán song công): nghĩa là tại 1 thời điểm thiết bị chỉ có thể nhận HOẶC gửi, KHÔNG thể ĐỒNG THỜI gửi và nhận dữ liệu.
- Wifi hoạt động ở chế độ half duplex, do vậy khi bộ phát wifi (Access Point) gửi dữ liệu thì nó không thể nhận dữ liệu từ thiết bị khác gửi đến nó.
- Ở môi trường ít client ( điện thoại, laptop) thì chúng ta ít nhận thấy sự chậm trễ, nhưng khi số lượng client tăng lên hoặc khi các client khác yêu cầu gửi nhận liên tục thì biểu hiện của sự chậm trễ bắt đầu tăng, dễ nhận thấy nhất các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như video call, game online.
Ví dụ : Khi chúng ta đang video call zalo hoặc game online, trong khi 1 vài người khác dùng chung wifi download liên tục thì hình ảnh video sẽ dễ bị mờ nhoè báo kết nối kém.
Ví dụ 2 : Khi chúng ta đang download, nhưng có 1 người khác upload thì tốc độ download sẽ bị giảm rõ rệt.
Vậy nên đặc biệt lưu ý hạn chế sử dụng hệ thống mesh, repeater bằng liên kết không dây.
II. PHÂN TÍCH MẠCH THỰC TẾ
Chúng ta sẽ phân tích 1 mạch Wifi thực tế: CHIP Realtek RTL8192 + FEM Skyworks SKY85300-21
Chip Wifi (hay còn gọi là Wifi controller) là bộ phận điều khiển, điều chế tín hiệu wifi (bao gồm ADC, DAC, baseband, MAC…).
FEM (Front-End Module): là một vi mạch tổ hợp (bao gồm chuyển mạch anten - Switch, PA - khuếch đại tín hiệu gửi, LNA - khuếch đại tín hiệu nhận).
Ở đây có thể thấy, khi chip wifi gửi dữ liệu đi từ chân TX của FEM => qua bộ khuếch đại PA => đến switch anten. Tại switch anten 1 thời điểm chỉ có 1 hướng TX hoặc RX được kết nối với anten. Ở trường hợp này (đường màu đỏ) Tx được kết nối anten, còn Rx bị hở mạch - dĩ nhiên tại thời điểm này Chip wifi cũng không nhận dữ liệu.
Nếu không có công nghệ gì đặc biệt thì trong 1 thời điểm toàn bộ anten của 1 băng tần đều chỉ cùng phát hoặc nhận chứ không phải 1 cái phát 1 cái nhận.
Đây chỉ là 1 mạch cơ bản, tùy nhà sản xuất sẽ có những công nghệ riêng để tối ưu riêng.
III. BACKHAUL TRONG MESH WIFI
Trong hệ thống Mesh, đường liên kết giữa các AP mesh gọi là Backhaul.
Trong trường hợp backhaul bằng cáp LAN thì tốc độ được đảm bảo, độ trễ thấp. Nhưng nếu backhaul qua Wifi sẽ dễ bị ảnh hưởng do tính chất half duplex của Wifi và nhiều yếu tố môi trường khác, chỉ cần một vài client trong mạng sử dụng wifi download/upload dung lượng lớn liên tục sẽ khiến toàn mạng bị ảnh hưởng.
Những loại AP mesh 2 băng tần thông thường sẽ phải dùng chung 1 băng tần vừa để client người dùng kết nối, vừa dùng để backhaul giữa các AP mesh khiến chất lượng bị suy giảm khá lớn.
Để hạn chế ảnh hưởng từ client khi backhaul wifi, 1 số nhà sản xuất đưa ra các sản phẩm cao cấp với 3 băng tần trong đó dành riêng 1 băng tần chỉ có việc liên kết giữa các AP mesh.
Nếu chúng ta chỉ có dòng mesh 2 băng tần nhưng cần độ ổn định cao thì nên chọn hướng backhaul bằng cáp LAN.